Theo Truyền hình An Viên Online - Trong thời gian gần đây, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã đưa một số phát thanh viên mới nói giọng địa phương lên hình. Biên tập viên Hoài Anh với giọng miền Nam rất… dễ thương của Đài Truyền hình Việt Nam thì nhiều người đã nhớ, nhưng mới đây (ngày 6.8.2014), khán giả cả nước lại được làm quen với nữ biên tập viên A.P với chất giọng Huế trong một chương trình thời sự buổi trưa và ngay lập tức đã nhận được sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng mạng, phân hóa thành hai chiều trái ngược nhau.

Cặp đôi MC dẫn chương trình thời sự đang chuẩn bị lên sóng
Hệ thống từ ngữ của người Hà Nội cũng đầy đủ và gần với ngôn ngữ toàn dân hơn. Đơn giản vì là một thành phố lớn, lại là thủ đô, thành phần cư dân đa dạng, sự giao lưu, hòa nhập rõ ràng đã giúp cho ngôn ngữ Hà Nội giữ nguyên được những nhân tố tích cực và loại bỏ những nhân tố dễ gây trở ngại cho giao tiếp.
Nhưng ngôn ngữ mỗi vùng miền lại có cái chuẩn riêng, như tiếng các địa phương như Vinh, Huế, Sài Gòn lại hội đủ những nét đặc trưng của các miền địa lý khác nhau và không thể nói là vùng nào quan trọng hơn vùng nào (Vinh, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn… đều là những thành phố lớn có tiếng nói “đại diện” cho cả một khu vực). Hiện tại, chưa có một văn bản, điều luật nào quy định bắt buộc phải coi tiếng Hà Nội là chuẩn quốc gia (mà các cơ quan Nhà nước và các cơ quan truyền thông phải tuân theo).
Chỉ có điều, các cơ quan truyền thông Nhà nước ở Hà Nội (nên thường dùng tiếng Hà Nội làm chuẩn) và cũng vì tiếng Hà Nội hội tụ được nhiều yếu tố phương ngữ khác nên có một quy ước “ngầm” là tiếng Hà Nội chính là tiếng chuẩn.
"Nhà đài chọn phát thanh viên nói giọng Hà Nội chuẩn chính là đã truyền lại cho đời sau sự chuẩn mực trong phát âm tiếng Việt phổ thông", NSƯT Kim Tiến chia sẻ.

Ngôn ngữ học chấp nhận (và khuyến khích) sự thống nhất trong đa dạng. Việc VTV giới thiệu, đưa lên sóng các phát thanh viên nói giọng khác nhau tôi nghĩ đó là chuyện bình thường. Đã có biên tập viên H.A nói giọng Nam, giờ lại thêm các biên tập viên nói giọng Huế (hay Nghệ An, Đà Nẵng…) sẽ làm phong phú thêm bức tranh ngôn ngữ tiếng Việt. Người nghe có cơ hội tiếp xúc với một chất giọng mới, có thể ít nhiều gây trở ngại khi tiếp nhận, nhưng rồi cũng sẽ quen.
Cũng phải nói thêm, đó cũng chỉ tâm lý của khán giả phía Bắc chứ với hàng triệu, hàng triệu người miền Trung và miền Nam thì với họ, không những không xa lạ mà trái lại, rất thú vị, rất đáng tự hào. Hơn nữa, sự thống nhất, chuẩn hóa trên văn bản mới là điều quan trọng. Các phát thanh viên này sẽ sử dụng một văn bản (chuẩn bị trước) mang tính toàn dân, có nghĩa là không có nhiều từ địa phương ít dùng, khó hiểu. Chính những sự khác biệt đó làm nên “đặc sản” thú vị của các phương ngữ vùng miền mà chúng ta nên lưu giữ và bảo tồn.
Tất nhiên, lời ăn tiếng nói của thủ đô Hà Nội vẫn đang được toàn dân hướng tới (theo quy luật hướng tâm). Trong xu hướng phát triển hội nhập và hòa nhập, ranh giới vùng miền trong phương ngữ đang bị nhòe đi, có khi mất hẳn. Đó là một điều đáng tiếc. Chúng ta nên biết trân trọng và giữ gìn bằng việc cổ xúy cho điều này nếu có cơ hội. Việc các phát thanh viên của VTV nói giọng khác Hà Nội theo tôi là đáng khuyến khích. - PGS.TS Phạm văn Tình chia sẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét